Hé lộ bí mật đằng sau câu chuyện VinFast mua lại Chevrolet

Ngày 27/6 vừa qua, VinFast đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với General Motors (GM) – một trong ba ông lớn (The Big Three) của ngành sản xuất xe hơi nước Mỹ và cũng là một trong những hãng xe lớn nhất thế giới cả về quy mô lẫn doanh số.

Nội dung hợp đồng giữa VinFast và General Motors (GM)

Theo hợp đồng này, VinFast sẽ tiếp nhận toàn bộ hệ thống đại lý ủy quyền hiện tại của thương hiệu Chevrolet để trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu Chevrolet tại Việt Nam .

Bên cạnh đó, VinFast cũng sẽ nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy của GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng xe ô tô cỡ nhỏ hoàn toàn mới được VinFast mua bản quyền từ GM.
Theo kế hoạch, dây chuyền sản xuất mới sẽ bắt đầu từ đầu năm 2019 và cùng với nhà máy VinFast tại Hải Phòng sản xuất xe hơi mang thương hiệu Việt này. Giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ.

Như vậy, với việc nắm toàn bộ hoạt động sản xuất, phân phối của GM tại Việt Nam, VinFast có vẻ sắp hoàn thành kế hoạch ngắn hạn để ra mắt một mẫu xe cỡ nhỏ trong năm 2019 tới đây, bên cạnh những kế hoạch dài lâu, khi vừa kí kết lấp liên doanh với các nhà cung cấp từ Thái Lan (dập/hàn chi tiết thân xe), xúc tiến hợp tác với các nhà cung cấp quốc tế tại Đức, cũng như mua lại công nghệ sản xuất ôtô của BMW, thiết kế từ Italia…
Từ nay thương hiệu xe hơi Chevrolet sẽ do VinFast phân phối độc quyền

Bí mật bật mí qua bài học tỷ đô từ người Nhật

Năm 1984, Toyota từng liên doanh với GM trong việc sản xuất và phân phối xe hơi tại California (liên doanh này có tên New United Motor Manufacturing Incorporated, còn gọi là NUMMI, hoạt động cho tới năm 2009).

Trong một đánh giá được đăng trên tạp chí Harvard Business Review tháng 12/2009, các chuyên gia Mỹ đã đánh giá rằng Toyota, được cung cấp một nửa quyền sở hữu của nhà máy liên doanh này, đã học được rất nhiều dù rằng người Mỹ liên doanh là để đổi lấy công nghệ từ Toyota và thúc đẩy bán hàng đối với vài sản phẩm bán không chạy.

NUMMI trở thành cơ sở sản xuất đầu tiên của Toyota ở Bắc Mỹ, nơi người Nhật tìm hiểu về những đặc thù của thị trường xe hơi Mỹ, tìm cách thích ứng với dây chuyền sản xuất kiểu Mỹ và tạo mối quan hệ với các mắt xích trong chuỗi cung ứng tại thị trường này.
Chỉ sau hai năm “theo học” người Mỹ, năm 1986 Toyota đã đầu tư toàn phần vào một nhà máy mới tinh của mình ở Kentucky (Mỹ), nơi sau này trở thành cơ sở lớn nhất của Toyota bên ngoài Nhật Bản.

Dĩ nhiên so sánh hai câu chuyện của VinFast và Toyota là điều khập khiễng bởi bối cảnh, mục tiêu về lợi ích, vị thế các bên và những điều liên quan là khác nhau, song đứng ở góc độ học hỏi kinh nghiệm trong một thế giới “mở”, có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng những lợi ích giao thoa từ việc sản xuất, phân phối những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu và thương hiệu còn mới mẻ “Made in Vietnam”.

Những sản phẩm vận chuyển trong “hệ sinh thái VinFast” hẳn nhiên được tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu tối đa rủi ro phát sinh từ quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm.

Điều đó giúp tạo ra một thị trường “kiểu mới” có lợi hơn cho khách hàng tiềm năng nhưng là một thị trường “mở” và báo hiệu sự cạnh tranh không hề nhỏ trong tương lai gần, ngay cả khi những chiếc xe VinFast còn chưa có mặt trên hệ thống đại lý của doanh nghiệp này tại Việt Nam.

Bình luận Facebook

© Bản quyền thuộc minhduongads.com - Thiết kế Web Minh Dương
0962736666
Chat Zalo
1
Bạn cần hỗ trợ?